CEO Apple lo sợ mất quyền riêng tư, cảnh báo hành vi của con người sẽ thay đổi nếu bị theo dõi và thu thập dữ liệu

  • 19/09/2024
CEO Tim Cook của Apple mới đây đã chỉ ra rằng việc các công ty thu thập dữ liệu, đôi khi là bất hợp pháp từ người dùng có thể dẫn tới sự thay đổi của xã hội trong tương lai.

Không có gì ngạc nhiên khi CEO Tim Cook của Apple chỉ trích các công ty công nghệ khác trong việc giám sát dữ liệu người dùng của họ. Giờ đây, ông thậm chí còn tin rằng việc thu thập dữ liệu như vậy có thể sớm trở thành một vấ đề phổ biến đối với xã hội nói chung, theo CNBC Make It.

Tại Hội nghị thượng đỉnh TIME100 năm 2022 mới được tổ chức, CEO Apple cho biết ông “khá lo lắng” về việc các công ty công nghệ khảo sát người dùng của họ, vì nó có thể thay đổi cách mọi người cư xử và tương tác với nhau.

“Tôi vô cùng lo sợ về việc mất quyền riêng tư. Nếu chúng ta bắt đầu cảm thấy như lúc nào cũng bị khảo sát, thì hành vi của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ làm ít hơn, thay đổi suy nghĩ. Trong một thế giới nơi bạn đang luôn kiềm chế bản thân, xã hội sẽ đi theo chiều hướng khác", Tim Cook nhấn mạnh.

z3493146561382c822ef77356ad03a2b9f8f4977

CEO Tim Cook lo sợ mất quyền riêng tư. (Ảnh: CNBC).

Một số nghiên cứu cho thấy con người cư xử khác nhau khi biết mình đang bị theo dõi. Năm 2018, các nhà nghiên cứu từ một trường đại học ở Hà Lan nhận thấy những người tham gia khảo sát "ít gian lận hơn" trong các bài kiểm tra khi có camera theo dõi.

Trong một cuộc khảo sát của Axios được công bố vào năm 2019, một số người tham gia đã tự báo cáo rằng việc bị theo dõi ảnh hưởng đến hành vi của họ và 48% cho biết việc giám sát có thể khiến họ thay đổi hành vi của mình tại nơi làm việc.

Nhận xét của Tim Cook diễn ra trong bối cảnh có những tranh cãi gần đây xung quanh các công ty công nghệ và dữ liệu người dùng. Tháng trước, hơn một triệu cư dân Illinois đã nhận được tấm séc có giá trị lên tới 397 USD sau khi Facebook giải quyết vụ kiện tập thể trị giá 650 triệu USD. Theo các nguyên đơn, nền tảng đã thu thập dữ liệu nhận dạng khuôn mặt mà không có sự đồng ý của người dùng, điều này là bất hợp pháp theo luật của bang Illinois.

Google Photos đang vướng vào một vụ kiện tương tự. Theo CNBC đưa tin vào năm 2017, tất cả nền tảng của Google, bao gồm Gmail, Google Documents và công cụ tìm kiếm cùng tên của công ty, đã lưu trữ thông tin như số điện thoại, dữ liệu vị trí và các trang web mà người dùng đã truy cập.

Google khẳng định họ không bán thông tin cá nhân mà chỉ lưu trữ mà để quản lý các quảng cáo được cá nhân hóa cho người dùng của mình. Công ty gần đây đã công bố các công cụ giúp người dùng yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của họ khỏi kết quả tìm kiếm.

Google, Amazon và thậm chí cả Apple cũng đã bị chỉ trích vì thu thập và xem xét các mẫu âm thanh từ các hệ thống nhà thông minh. Google và Amazon cuối cùng đã thừa nhận việc họ sử dụng tính năng này với Google Assistant và Alexa, cung cấp các tùy chọn không tham gia cho người dùng.

Apple, công ty thường được coi là có ý thức về quyền riêng tư hơn đa số đối thủ của mình, đã đi một bước xa hơn bằng cách xin lỗi và dừng hoạt động " human grading" trên tất cả dịch vụ Siri.

Bất chấp vô số vấn đề về quyền riêng tư của thế giới công nghệ, Tim Cook đã lưu ý rằng một tương lai nặng về giám sát vẫn chưa phải là điều gì đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Thay vào đó, ông tỏ ra “lạc quan” rằng các công ty công nghệ sẽ phát triển nhiều công cụ hơn để tôn trọng dữ liệu cá nhân của người dùng, mặc dù ông không nói rõ liệu những thay đổi đó có được thúc đẩy bởi lòng vị tha, các vụ kiện hay sự đe dọa của các quy định liên bang hay không.



(Theo: http://vietnambiz.vn/ceo-apple-lo-so-mat-quyen-rieng-tu-canh-bao-hanh-vi-cua-con-nguoi-se-thay-doi-neu-bi-theo-doi-va-thu-thap-du-lieu-202261575956447.htm)