"Mở cửa" giới tính đối với NTK: Khúc hoan ca cho cộng đồng LGBTQ+

  • 19/09/2024

PNO - Những thành quả này không đến một sớm một chiều mà là quá trình nỗ lực rất dài của những cái tên đã bước vào lịch sử.

 

9692_buberry-02.jpg
Bộ sưu tập chia tay thương hiệu Burberry của Giám đốc sáng tạo Christopher Bailey hướng về cộng đồng LGBTQ+

Vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp thời trang bắt đầu chứng kiến những góc nhìn cởi mở hơn về giới tính của các nhà thiết kế và người mẫu. Tài năng của họ được thừa nhận, cơ hội nghề nghiệp đến với họ nhiều hơn… Những thành quả ấy không đến một sớm một chiều mà là quá trình nỗ lực rất dài của những cái tên đã bước vào lịch sử.

Trước khi Christian Dior và Yves Saint Laurent được biết đến như những nhà thiết kế đồng tính bậc thầy sau Thế chiến thứ hai, trong giới thời trang, Rudi Gernreich, Willi Smith, Roy Halston hay Stephen Burrows đã trở thành những biểu tượng phi giới tính của cái đẹp, văn hóa và tình yêu. Họ vẫn ở đó, âm thầm làm việc, cống hiến và đau đớn với sáng tạo cùng hàng loạt câu hỏi về bản thân tương tự cách cộng đồng LGBTQ+ đã âm thầm tồn tại để né tránh ánh mắt kỳ thị, soi xét và cả sự phân biệt, thậm chí khinh rẻ.

avw.php?zoneid=32&cb=INSERT_RANDOM_NUMBE

Thời trang như thứ ánh sáng từ thiên đường vừa soi rọi vừa giúp họ biểu lộ tình yêu với sắc màu, vải vóc, những đường nét thướt tha yêu kiều hay sự thô ráp, hoang dại… Tất cả đều vượt qua những giới hạn thường thấy bởi họ đã bước qua lằn ranh của thế giới thực tại mất cân bằng, cái thế giới khiến họ vừa yêu vừa đớn đau tột cùng để mải mê tìm kiếm và biểu thị cái đẹp của loài người, hình thể, tư tưởng.

Cho đến thập niên 1980, sự miệt mài của họ cuối cùng cũng được bù đắp, tôn vinh khi các sàn thời trang trên khắp thế giới bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn với cộng đồng LGBTQ+, thông qua văn hóa queer (nền văn hóa của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới…).

8406_gaultier.jpg
Một mẫu trang phục phi giới tính của nhà mốt Jean Paul Gaultier

Jean Paul Gaultier tôn vinh văn hóa queer bằng cách mời người mẫu nam mặc váy biểu diễn trên sàn diễn vào năm 1985. Sở hữu phong cách thiết kế xa hoa nhưng không kém phần lập dị, Gaultier không ngại thiết kế những chiếc đầm cho nam giới hoặc chơi đùa cũng mô-típ sọc ngang mang cảm hứng thủy thủ trên các thiết kế tôn sùng chủ nghĩa tình dục.

Nhắc đến Gaultier, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến “chàng thơ” Tanel Bedrossiantz - tri kỷ của ông. Tại show diễn ra mắt bộ sưu tập (BST) Xuân - Hè 1998, Tanel diện một chiếc đầm corset phồng, phối cùng áo sơ mi và cà vạt. Đây được xem như khoảnh khắc đặc biệt phi giới tính cho thời trang. Hình ảnh này sau đó được trưng bày tại triển lãm Met Gala 2019.

Thierry Mugler làm nên nhiều khoảnh khắc thời trang khó quên dành cho cộng đồng LGBTQ+ bằng phong cách thiết kế siêu thực, độc bản và táo bạo. Tại show diễn Xuân - Hè 1992, Mugler đã mời drag queen (thuật ngữ gọi những người có phong cách ăn mặc nữ tính, kèm theo đó là lối trang điểm dày, đậm) Lypsinka - người sở hữu nghệ thuật pha trộn giữa Hollywood cổ điển và thời trang cao cấp - trình diễn một màn hát nhép và biến hóa liên tục trong ba bộ trang phục khác nhau: khởi đầu là chiếc đầm dạ hội thập niên 1950, tiếp tục với bộ suit của thập niên 1980 và kết thúc bằng một thiết kế nội y màu đen tối giản.

Màn trình diễn độc đáo này chỉ là một trong những bước khởi đầu cho mối quan hệ giữa thời trang và thế giới của các drag queen.

1566_senatus-bdfsms.jpg
“Chàng thơ” Tanel Bedrossiantz

Lịch sử thời trang tiếp cận thế giới của drag queen không chỉ giới hạn ở những khái niệm rõ ràng về ham muốn và chủ nghĩa tính dục, giới tính mà còn bao trùm cả những góc nhìn tinh tế về các bí mật ẩn sâu trong văn hóa queer.

BST Thu - Đông 1998 của Alexander McQueen dùng gam màu tối mạnh mẽ, xử lý khéo léo trên nền chất liệu vải lưới, ren… với phần vai tạo dáng hình học lấy cảm hứng từ nữ anh hùng người Pháp - Jeanne d'Arc. Jeanne luôn mặc những bộ giáp sắt đánh trận vốn dành cho nam giới thời đại đó, cho nên có nhiều giả thuyết suy đoán “Trinh nữ xứ Orleans” là người thuộc giới tính thứ ba.

Mặc dù McQueen không đề cập giả thuyết này nhưng sau show diễn, ông chia sẻ: “Bất cứ ai cũng có thể là một người tử vì đạo vì chính nghĩa của họ. Có lẽ tôi đã là một người tử vì đạo vì đồng tính khi mới sáu tuổi”.

8815_superga.jpg
Superga kết hợp cùng Baja East giới thiệu những đôi giày thể thao được trang trí bằng các bản in họa tiết cổ điển của Baja East, Bajawood và Malibu Wild Horse

BST chia tay thương hiệu Burberry của Giám đốc sáng tạo Christopher Bailey có thể xem là khúc hoan ca dành cho cộng đồng LGBTQ+. Bailey sử dụng ngôn ngữ thời trang mở ra kỷ nguyên mới cho các thế hệ queer hiện đại. Ông đã đưa sắc màu cầu vồng vào họa tiết kẻ sọc biểu tượng của Burberry. Là người đồng tính có xuất thân kém may mắn, thế nên khi thành công, ông đã nhiều lần quyên góp tiền cho ba quỹ từ thiện nhằm ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, gồm AKT, The Trevor Project và ILGA.

Trong năm 2022, cùng với lễ hội ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, Marimekko phát hành BST bốn thành phần kết hợp giữa Unikko và Sateenkaari. Năm 1979, Maija Isola đã tạo ra bản in cầu vồng cho Marimekko. Bốn thập niên sau, bản in của Isola được làm nổi bật trong BST mới.

Superga kết hợp cùng Baja East giới thiệu những đôi giày thể thao được trang trí bằng các bản in họa tiết cổ điển của Baja East, Bajawood và Malibu Wild Horse. Một phần lợi nhuận sẽ được chuyển đến Trung tâm Ali Forney.

3806_kate-spade.jpg
Một mẫu trang sức trong bộ sưu tập Celebrate with Pride do Kate Spade New York hợp tác với The Trevor Project. 10% lợi nhuận từ bộ sưu tập này được quyên góp cho dự án Trevor - giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên LGBTQ+

Kate Spade New York khởi động tháng Sáu bằng BST Celebrate with Pride hợp tác với The Trevor Project. BST có một số món phụ kiện được trang trí bằng trái tim cầu vồng và một chiếc áo dài màu xám. 10% lợi nhuận từ BST được quyên góp cho dự án Trevor - giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên LGBTQ+.

Cùng với những trang sử hào nhoáng của thời trang, văn hóa queer rực rỡ đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà thiết kế. Hơn cả thông điệp ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, các show diễn tôn vinh văn hóa queer của các nhà mốt mở ra kỷ nguyên mới cho thời trang phi giới tính mà ngày nay đang được nhiều thương hiệu và thế hệ Z ưa chuộng.

Hàng loạt cái tên như No Sesso, Telfar, Christopher John Rogers, Art School, Gogo Graham, Patrick Church, Ella Boucht, Nicolas Lecourt Mansion… sẽ tiếp bước con đường của những nhà thiết kế bậc thầy đi trước, tạo nên những diện mạo mới cho thời trang nói riêng và cho cộng đồng LGBTQ+. 

Nhã Ca