Grab Việt Nam sẽ thử nghiệm tính năng "yên lặng". (Ảnh: Grab).
Với một số khách hàng, gặp phải một tài xế nói nhiều có thể là một trải nghiệm không mấy vui vẻ, đặc biệt là nhóm introvert (người hướng nội), việc phải trò chuyện với một ai đó thật là điều không mấy dễ dàng. Và đôi khi, họ khó có thể đề nghị tài xế không nói chuyện bởi lo sợ bị đánh giá là bất lịch sự.
Để giải quyết những lo ngại đó, mới đây, Grab Việt Nam đã thử nghiệm chương trình "Chuyến xe yên lặng". Theo công ty, đây là tính năng mà hành khách lựa chọn với mong muốn hạn chế trao đổi và tiếp xúc khi đang sử dụng các dịch vụ di chuyển của Grab.
"Tính năng sẽ mang đến trải nghiệm thoải mái, yên tĩnh cho hành khách, qua đó giúp hành khách hài lòng và tiếp tục sử dụng các dịch vụ Grab", Grab cho biết.
Khách hàng có thể kích hoạt chế độ này thông qua tin nhắn với tài xế trong ứng dụng Grab với cú pháp "Tôi muốn yên tĩnh". Các đối tác tài xế tham gia chương trình thử nghiệm này đều đã được hoàn thành bài đào tạo của Grab.
Tuy nhiên, các tài xế Grab vẫn sẽ cần lên tiếng ở một số trường hợp. Cụ thể, Grab cho biết tài xế chỉ trao đổi những thông tin liên quan đến cuốc xe như: lời chào hỏi cơ bản, xác nhận lại thông tin hành khách, cuốc xe, điểm đến, lộ trình các nhắc nhở các vấn đề an toàn,... và giữ không gian yên tĩnh cho hành khách.
Nếu tài xế nhận được cuộc gọi khẩn cấp, cần trao đổi với hành khách trước khi nghe máy và nói vừa đủ nghe. Các trường hợp sử dụng thiết bị âm thanh cũng cần có sự trao đổi trước với khách hàng, điều chình âm thanh phù hợp với yêu cầu của khách.
Tính năng “Chuyến xe yên lặng” sẽ được Grab thử nghiệm từ 27/6 tại thị trường Việt Nam.
Đây là tính năng không hề mới, hồi tháng 4, Grab Philippines cũng đã thử nghiệm tính năng nói trên và thời gian kéo dài tới cuối tháng 6. Như đã nói, đây là một thử nghiệm mới của Grab nhằm giúp khách hàng có trải nghiệm tốt nhất, trong trường hợp họ muốn nghỉ ngơi sau ngày làm việc mệt mỏi hoặc chỉ đơn giản là không có tâm trạng để trò chuyện. Nếu khả thi, rất có thể Grab sẽ áp dụng tính năng này trong tương lai.
Grab, hiện đang là ứng dụng gọi xe phổ biến nhất tại Việt Nam, đang đối mặt với áp lực về chi phí xăng dầu tăng cao cũng như tình trạng tài xế bỏ việc có xu hướng gia tăng. Ở TP HCM, nhiều tài xế Grab đã bỏ ứng dụng sau đợt dịch bệnh kéo dài cộng thêm việc chi phí nhiên liệu tăng, khó đảm bảo thu nhập. Ở chiều ngược lại, khách hàng cũng phàn nàn vì việc khó gọi xe.
Hồi tháng 3, đáp lại những áp lực đến từ tài xế, Grab tăng phí dịch vụ đi kèm với giá xăng tăng để “bù đắp” và “khuyến khích” các tài xế hoạt động tích cực hơn trên nền tảng.