Mô hình đổi mới sáng tạo mở ( open innovation) và những thành công bước đầu từ chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Học Viện Bưu Chính Viễn Thông

  • 12/09/2022

Là tân binh trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phải chọn cho mình hướng đi khác biệt để thu hút và hỗ trợ cho các startup.

Theo CBInsight, hơn 42% startup thất bại vì làm ra thứ mà khách hàng không dùng. Startup rất yêu, tin rằng sản phẩm của mình rất tốt và thất bại thảm hại với tình yêu của mình. Làm thế nào để chữa căn bệnh mãn tính này cho startup?

Các chuyên gia và đại diện các nhà đầu tư trong sự kiện Hội nghị Kết nối đầu tư (Demo Day)

Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn có rất nhiều nhu cầu, bài toán cần giải quyết nhưng việc sử dụng nguồn lực nội bộ thường thiếu tính sáng tạo, chậm chạp không đáp ứng được sự thay đổi nhanh của xu hướng, nhu cầu khách hàng như hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã áp dụng mô hình đổi mới sáng tạo mở, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài tham gia vào quá trình cải thiện, tạo mới sản phẩm dịch vụ của họ. Mô hình này cho phép họ tận dụng các nguồn lực đổi mới sáng tạo bên ngoài để rút ngắn thời gian cải tiến, đưa ra sản phẩm mới. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp chưa thực sự cởi mở áp dụng mô hình này vì sợ lộ bí mật kinh doanh, thiếu tin cậy vào đối tác. Với kinh nghiệm hơn 40 năm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp lớn trong ngành viễn thông (VNPT, MobiFone, Viettel), ngân hàng, dược, … Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II nắm được nhu cầu và được sự tin tưởng của những doanh nghiệp này. Trung tâm cũng sở hữu mạng lưới chuyên gia đủ các lĩnh vực để hỗ trợ cho các startup. Đây chính là những “dược liệu” cơ bản để chữa căn bệnh mãn tính nói trên. Thay vì làm những sản phẩm mình yêu thích, Startup làm những sản phẩm khách hàng cần.

Tiếp đến là một quy trình huấn luyện, cố vấn (mentoring) để startup chuẩn lại đội ngũ sáng lập, nhân sự, mô hình kinh doanh, mô hình tài chính, lựa chọn công nghệ, điều chỉnh và phát triển sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp. 

Startup qua quá trình mài giũa đó (thường từ 3 đến 4 tháng) phải có có sản phẩm dịch vụ đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu doanh nghiệp. Chỉ cần 1 doanh nghiệp lớn gật đầu chấp nhận, startup có ngay được thị trường, có ngay được lượng lớn khách hàng tiềm năng, có chỗ dựa để vượt qua “bão giông” và tăng giá trị tối thiểu gấp 4-5 lần khi gọi vốn.

Lễ ký tiếp nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp thông qua chương trình tăng tốc khởi nghiệp

Sự kiện Demo Day ngày 09/09/2022 đánh dấu chặng đường thành công chương trình tăng tốc khởi nghiệp IBAC của Trung tâm. Hơn 05 startup đã nhận được hơn 500.000 đô la Mỹ đầu tư cho giai đoạn 1. Một trong những điển hình thành công là startup ASM với sản phẩm ACA Shop - Nền tảng bán hàng dành cho người bị ảnh hưởng dịch Covid. Nhìn được tiềm năng của nền tảng tài, Công ty Cổ phần ANVY - một doanh nghiệp lớn trong ngành dược, đã quyết định đầu tư 200.000 đô la cho công ty mẹ của ASM là ALM để hoàn thiện sản phẩm thành nền tảng CODOKI hỗ trợ cho mạng lưới đại lý, cộng tác viên trên toàn quốc. Theo ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty ANVY, ông sẵn sàng đầu tư thêm 300.000 đô la trong 6 tháng tới để startup nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của ông. Đây là 1 minh chứng thành công cho mô hình này.

Ký kết cam kết đầu tư giai đoạn 1 của Cty Cổ phần ANVY vào Cty Cổ phần công nghệ ASM

Ký kết hợp tác với Hội nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Y – Sinh Việt Nam (VAMBRA)

bảo trợ chương trình tăng tốc khởi nghiệp cho các startup trong lĩnh vực công nghệ y sinh.

 

Với những thành công ban đầu, sự hợp tác của các đơn vị như Zone Startup, SVF, BambooUp, VTVCorp, SaoViet, WSAFE Impact Venture Builder- Startup Accelerator, WeAngels Capital và sự hậu thuẫn từ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Y-Sinh Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Trung tâm kỳ vọng sẽ phát triển chương trình tăng tốc khởi nghiệp theo mô hình Open Innovation gọi được trên 20 triệu đô cho các startup trong giai đoạn 2023 – 2025, tạo tiền đề phát triển hoạt động ứng dụng nghiên cứu, phát minh, sáng chế và khởi nghiệp cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên Học viện.