Hồi Sinh “Đại Việt Đệ Nhất Danh Sâm” – Bảo Tồn Di Sản, Khơi Dậy Tiềm Năng

  • 29/10/2024

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Thanh Hóa đã trở thành vùng đất gắn liền với nhiều triều đại quân chủ phong kiến, được coi là "thang mộc" của các bậc quân vương. Vùng đất này còn nổi tiếng với nhiều sản vật quý hiếm, trong đó phải kể đến Sâm Báo – sản vật đặc biệt từng được dùng để "dâng vua" và "tiến chúa" tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Hồi sinh một loài dược liệu quý của xứ Thanh

Sâm Báo, loài sâm gắn liền với văn hóa và lịch sử vùng đất Thanh Hóa, từng chỉ mọc tự nhiên tại núi Báo thuộc làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Theo thời gian, nguồn sâm tự nhiên dần cạn kiệt, nhưng nỗ lực phục hồi và phát triển loài cây này đã được khởi động mạnh mẽ. Chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều dự án quan trọng nhằm bảo tồn và khai thác giá trị của “dược liệu vàng”. Những bước đi này không chỉ giúp bảo vệ giống sâm quý mà còn mở ra hướng đi mới cho kinh tế nông nghiệp và du lịch địa phương.

Sách "Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí" do Lưu Công Đạo biên soạn ghi rõ:

“Nước Nam có nhiều sâm, chỉ có sâm ở đất Biện Thượng (hay Bồng Thượng) công hiệu hơn các nơi khác. Dùng nhân sâm tại núi Báo có hiệu nghiệm kỳ lạ.”

Từ thời nhà Hồ và chúa Trịnh (thế kỷ XV), Sâm Báo đã được sử dụng làm lễ vật quý để tiến vua, dâng chúa. Trong "Đồng Khánh địa dư chí" (1886), Quốc sử quán Triều Nguyễn cũng nhắc đến loài sâm này:

“Sâm Báo có chất nhỏ mà trắng, vị đắng, tính mát, giúp giải nhiệt.”

Qua thời gian, những ghi chép cổ được kiểm chứng bằng nghiên cứu hiện đại cho thấy sâm Báo có tác dụng tuyệt vời với sức khỏe, từ bồi bổ khí huyết, cải thiện tiêu hóa đến hỗ trợ điều trị suy nhược thần kinh và nâng cao thể lực.

Đặc điểm sinh học và mùa vụ

Sâm Báo là cây thân thảo lâu năm, cao từ 30–50 cm. Rễ củ có màu trắng nhạt, dài từ 15–40 cm, thân cây phát triển linh hoạt với khả năng mọc đứng hoặc bò lan trên mặt đất. Lá cây mọc so le, hình trái tim, trong khi hoa có hai màu đỏ và vàng tùy gốc, thường ra làm hai đợt mỗi năm. Quả sâm có hình trứng nhọn, khi chín sẽ tự tách thành 5 mảnh để phát tán hạt.

Loài sâm này ưa sáng và độ ẩm, thích hợp phát triển trong đất nhiều mùn, tơi xốp. Chu kỳ sinh trưởng của cây bắt đầu từ đầu xuân (tháng 1–3) và kéo dài đến mùa đông. Hoa nở vào mùa hè và cuối thu, còn rễ củ được thu hoạch chủ yếu vào tháng 12 đến tháng 1, khi cây đã lụi tàn.

Công dụng y học của Sâm Báo

Theo Đông y, sâm Báo có vị ngọt nhạt, tính bình, tác dụng vào kinh tỳ và phế. Cây này được sử dụng để:

  • Bổ mát, dưỡng phế, sinh tâm dịch.
  • Hỗ trợ điều trị ho, sốt, phổi yếu, kinh nguyệt không đều.
  • Giảm đau lưng, hỗ trợ tiêu hóa khi dùng với gạo rang.
  • Bồi bổ sức khỏe cho người suy nhược, bệnh nhân mới ốm dậy.
  • Điều trị táo bón, mất ngủ, kém ăn và mệt mỏi.
  • Ngoài ra, lá và hoa còn được dùng để xát chữa ghẻ ngứa và hỗ trợ thông tiểu tiện.

Dự án phục hồi và phát triển Sâm Báo

Ngày 22/10/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án phát triển cây Sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Với tiềm năng dược liệu và giá trị văn hóa sâu sắc, Sâm Báo được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng đặc sản của Thanh Hóa, sánh ngang với các sản vật nổi tiếng khác như nem chua, bánh gai, chè lam. Không chỉ vậy, Sâm Báo còn được định hướng trở thành sản phẩm quốc gia, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Việc phát triển các dòng sản phẩm từ Sâm Báo không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh mới mà còn đóng góp vào việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh văn hóa đặc sắc của xứ Thanh với bạn bè quốc tế.

Sâm Báo – không chỉ là dược liệu tiến vua xưa kia, mà còn là niềm tự hào và hy vọng của người dân Việt Nam trong tương lai.

Nguồn ảnh: Tổng hợp internet

NGUYỄN ĐỨC