Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg).
Giá cả tăng cao đang đả thương người Mỹ. Quá trình chữa trị cũng sẽ để lại nhiều đau đớn. Có lẽ phải một cuộc suy thoái mới trị được lạm phát – và nhiều khả năng suy thoái sẽ đến trong lúc ông Biden làm chủ nhân Nhà Trắng.
Theo ước tính mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng Mỹ suy thoái vào đầu năm 2024 đã lên gần đến 75%, mặc dù chỉ mấy tháng trước xác suất này gần như bằng 0.
Hôm 15/6, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất trong gần ba thập kỷ. Khi Fed cố đến mức này để giảm tốc nền kinh tế, họ thường vô tình khiến nền kinh tế lao dốc.
Các nhà đầu tư đang cược rằng trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra, khiến chứng khoán lẫn trái phiếu cắm đầu. Còn các hộ gia đình nhìn vào tiền tiết kiệm hưu trí vơi dần trong lúc hóa đơn nhảy vọt và cảm thấy bi quan về nền kinh tế hơn bất kỳ lúc nào trong 40 năm qua.
Điều đáng chú ý là những việc này đang xảy ra trong khi người tiêu dùng Mỹ vẫn còn đầy tiền mặt và tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong lịch sử. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng khẳng định “chưa có dấu hiệu nào” cho thấy nền kinh tế sắp xuống dốc.
Tuy nhiên, tâm lý vẫn đang xấu đi với tốc độ đáng báo động – khiến ông Biden có nguy cơ phải “gia nhập” một câu lạc bộ đáng buồn. Từ ông Jimmy Carter đến George H.W. Bush hay Donald Trump, các tổng thống một nhiệm kỳ của Mỹ trong nửa thập kỷ qua đều chứng kiến hy vọng tái đắc cử của họ vỡ vụn vì tác động sót lại của suy thoái.
Bão tố nổi lên
Các cử tri đang nói với những nhà khảo sát bầu cử của Đảng Dân chủ rằng họ thấy bão tố kinh tế đang ùn ùn kéo đến. Một nguồn thạo tin về Nhà Trắng cho biết các quyết định về vấn đề quan trọng như nợ sinh viên đang bị tê liệt vì lo ngại lạm phát.
Chính quyền ông Biden đang tích cực xem xét những giải pháp khác thường để chứng tỏ họ đang chiến đấu cho dân thường, từ đánh thuế lên lợi nhuận dầu khí đến cắt giảm thuế quan cho hàng hóa Trung Quốc.
Các nhà kinh tế của Nhà Trắng cũng đang cố hết sức để trình bày cho cử tri rằng nền kinh tế thực chất tốt hơn nhiều suy nghĩ của họ. Nhưng hai dữ liệu kinh tế được công bố tuần trước gần như đã khiến công việc này thành nhiệm vụ bất khả thi.
Lạm phát bất ngờ vọt lên – khiến thị trường chứng khoán lần nữa chịu một phen sóng gió và Fed càng quyết tâm thắt chặt chính sách. Và tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978.
Lạm phát đã lên đến ngưỡng mà hầu hết người Mỹ chưa từng chứng kiến trong đời. Và giá cả leo thang chắc chắn sẽ là vấn đề hàng đầu trong kỳ bầu cử Quốc hội năm nay.
Cộng lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp và bạn sẽ có thước đo mà các nhà kinh tế gọi là Chỉ số Khốn khổ. Chỉ số này đang ở mức cao theo tiêu chuẩn lịch sử - thậm chí còn cao hơn cả một số cuộc suy thoái hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Dự báo của Bloomberg Economics cho thấy người Mỹ vẫn sẽ cảm thấy khổ sở cho đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ của chính quyền ông Biden. Khi đó nền kinh tế vẫn sẽ chưa ở trong suy thoái – nhưng với nhiều cử tri thì họ sẽ nghĩ là nó đã đến.
Trò chơi đổ lỗi
Tại Nhà Trắng, các quan chức nói rằng nhiều khả năng nền kinh tế Mỹ vẫn đủ mạnh mẽ để tránh một cuộc suy thoái. Họ chỉ ra rằng lạm phát cao là vấn đề chung của toàn thế giới, chủ yếu gây ra bởi đại dịch và chiến sự Nga-Ukraine.
Sau bất ngờ khó chịu về chỉ số CPI hồi tuần trước, hai nhà kinh tế hàng đầu của chính quyền ông Biden - Cecilia Rouse và Brian Deese – đã nhấn mạnh rằng Fed là người chịu trách nhiệm chính cho cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng đội ngũ của ông Biden cũng đang tìm cách khác để hạ nhiệt giá cả.
Trong tuần này, đồng minh của ông Biden tại Thượng viện đã đề xuất một loại thuế liên bang mới lên lợi nhuận của ngành dầu khí. Nhà Trắng cũng yêu cầu các hãng bán lẻ lớn cam kết giảm giá nếu tổng thống cắt giảm một số thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Cho đến nay, những nỗ lực trên vẫn chưa đạt được kết quả, doanh nghiệp nêu lý do rằng họ không hiểu rõ yếu tố nào đang thúc đẩy lạm phát. Đọi ngũ của ông Biden đã tìm cách đổ một phần lỗi về lạm phát cho lòng tham của doanh nghiệp, nhưng hầu hết các nhà kinh tế không bị thuyết phục.
“Càng sớm càng tốt”
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang dệt nên câu chuyện tươi sáng hơn về nền kinh tế. Một quan chức cấp cao nhấn mạnh rằng tỷ lệ tiết kiệm cao của hộ gia đình, lợi nhuận lớn của doanh nghiệp, và chi phí chi trả nợ thấp không cho thấy suy thoái đang tới gần. Vị này cho biết một nguồn dự báo cho thấy khả năng xảy ra suy thoái chỉ nằm trong khoảng 25-35%.
Trên tất thảy, điều mà đội ngũ kinh tế của ông Biden nhấn mạnh với cử tri là việc làm đang rất dồi dào. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 3,6%, gần bằng mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Mỗi lao động thất nghiệp có hai vị trí trống đang chờ đợi. Điều này đặc biệt giúp ích cho những lao động lương thấp ở Mỹ khi đàm phán tăng lương.
Bà Heather Boushey, thành viên trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Biden chỉ ra: “Thu nhập chính của phần lớn người dân nước Mỹ đến từ việc làm. Cốt lõi của an ninh kinh tế là tìm được công việc phù hợp trong thị trường lao động”.
Dĩ nhiên, các cuộc bầu cử không chỉ xoay quanh nền kinh tế. Từ lệnh kiểm soát súng cho đến quyền phá thai, có rất nhiều vấn đề hay gây chia rẽ cử tri, và tác động đến lá phiếu của họ. Và dẫu cho Mỹ có thực sự rơi vào suy thoái thì nền kinh tế vẫn có thời gian để phục hồi – và cải thiện tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden – trước kỳ bầu cử tổng thống 2024.
Ông Christopher Wlezien, nhà kinh tế chính trị tại Đại học Texas cho biết nếu suy thoái là điều không thể tránh khỏi, thì với ông Biden, nó nên xảy ra “càng sớm càng tốt”. “Tình hình kinh tế xấu đi trong năm 2023 có thể sẽ đè nặng lên cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Nhưng suy thoái vào năm 2024 sẽ còn tồi tệ hơn”.