Cảnh giác hoạt động lợi dụng từ thiện bão lũ để tuyên truyền ly gián và lừa đảo

  • 24/12/2024

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông vừa cảnh báo thêm chiêu thức lừa đảo mới: Lợi dụng từ thiện bão lũ để trục lợi.

Những ngày qua, cơn bão số 3 cùng mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất đã gây hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Nội...Nước lũ dâng cao gây ngập sâu, sạt lở. Nhiều gia đình mất đi người thân, không còn tài sản, sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Trước tình cảnh đau thương do thiên tai gây ra, việc quan trọng và ưu tiên lúc này là tập trung khắc phục hậu quả, cứu người, hỗ trợ người dân về cả tinh thần, vật chất nhằm giúp họ vững lòng, nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.Trong mùa mưa lũ, lòng nhân ái của người Việt Nam đang phát huy mạnh mẽ thông qua các việc làm thiện nguyện, cứu trợ. Nhưng lợi dụng nỗi thống khổ của người dân vùng lũ, tà giáo Pháp Luân Công gần đây lại núp bóng, trà trộn vào các đoàn từ thiện để truyền bá tư tưởng độc hại, chống phá.

Cứ mỗi khi có thiên tai, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình đồng bào lại được khơi dậy hơn bao giờ hết. Nhiều tổ chức, cá nhân đã gửi tiền ủng hộ, thậm chí không quản ngại nguy hiểm, vất vả đến tận nơi để trợ giúp những hoàn cảnh đang gặp khó khăn. Tuy nhiên không ít kẻ xấu lợi dụng tình hình thiên tai để chiếm đoạt tiền từ thiện bằng nhiều chiêu trò lừa đảo.

Những ngày mưa lũ, chị Hoa (phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên lên mạng để cập nhật tin tức. Chị cho biết, đã không ít lần bắt gặp những bài đăng cảnh báo về các chiêu trò trục lợi từ thiện của kẻ xấu: như lừa đảo ăn chặn hàng cứu trợ, gọi điện từ các đầu số lạ kêu gọi ủng hộ từ thiện, hay lừa bán áo phao giá rẻ để chiếm đoạt tiền của những tổ chức cá nhân muốn mua áo phao ủng hộ người dân vùng ngập lụt.

"Rất đáng lên án vì lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm, những đồng từ thiện không đến được với những địa chỉ cần đến" chị Nguyễn Thanh Hoa (phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
 

Không chỉ vậy, kẻ xấu còn làm giả các fanpage của nhiều cơ quan tổ chức như Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, Phú Thọ, hay mạo danh Hội Phụ nữ một số phường thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão lũ để trục lợi. 

Cục An toàn thông tin cũng cho biết, trên không gian mạng hiện vẫn đang tồn tại hơn 2.000 fanpage lấy tên Hội Chữ thập đỏ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở các địa phương. Cục vẫn đang tiếp tục liên hệ với các đơn vị chủ quản để xác minh những fanpage này.

Trong thời điểm thiên tai như bão và mưa lũ lịch sử, việc thông tin sai lệch trên mạng xã hội là một thách thức lớn đối với công tác ứng phó và khắc phục hậu quả. Những thông tin không chính xác và thổi phồng không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn làm gián đoạn công tác cứu trợ, ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng. Các đối tượng phản động đã cố tình lợi dụng tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc để đưa ra những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam.Vậy mà, các đối tượng phản động không từ một âm mưu, thủ đoạn nào để chống phá nước ta. Từ hải ngoại, các đối tượng với bản chất thâm thù với dân tộc đã cố tình lợi dụng tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc để đưa ra những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, hạ thấp, phủ nhận những kết quả trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các cấp chính quyền; hạ thấp uy tín của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhằm hướng lái dư luận, tạo sự hoài nghi trong Nhân dân.Phải khẳng định đây chính là những lời lẽ xuyên tạc, tráo trở của các đối tượng chống phá nhằm chia rẽ tình đoàn kết quân dân, xuyên tạc sự thật nhằm tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Những nội dung này không đơn thuần là sự bất mãn cá nhân, mà thực chất là chiến dịch tuyên truyền nhằm bôi nhọ uy tín của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến các hoạt động từ thiện mà chúng ta dễ nhận ra trong những lần đất nước bị thiên tai, hoạn nạn trước đây.

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông đưa ra lời cảnh báo Người dân không nên chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng; chỉ thực hiện quyên góp thông qua các tài khoản chính thống thuộc cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân uy tín. Trường hợp người dùng không nắm rõ thông tin thì có thể tham khảo thêm ý kiến của người thân trong gia đình hoặc cơ quan.

Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị người dân kiểm tra kỹ thông tin trước khi chia sẻ và nâng cao khả năng tự bảo vệ khỏi những thông tin sai lệch; chỉ nên theo dõi các trang thông tin từ chính phủ, cơ quan báo chí có uy tín để cập nhật tin tức chính xác, qua đó hạn chế những rủi ro về lừa đảo trực tuyến hoặc trở thành nạn nhân của đối tượng xấu trên mạng.

Ngoài ra, người dân, cơ quan tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ một cách rộng rãi những thông tin cảnh báo về lừa đảo trực tuyến, tin giả, tin sai sự thật để mọi người cùng nêu cao cảnh giác./.